Theo y văn thế giới, nội soi phế quản đã có cách nay trên 2000 năm, từ thời Hippocrate. Ông đã nghĩ ra cách đặt nội khí quản để điều trị bệnh nhân bị ngạt thở. Tuy nhiên nội soi phế quản đã không được phát triển cho tới thế kỷ 19.
Năm 1846, Horace Green lần đầu tiên tiến hành đặt ống nội khí quản và phế quản. Nhưng khi ông trình bày kỹ thuật của mình tại Hiệp hội Nội - Ngoại khoa Mỹ ở New York thì bị một số thành viên bác bỏ hoàn toàn vì cho rằng điều đó không thể thực hiện được và không đảm bảo an toàn cho bệnh nhân.
Năm 1854, Joseph P. O'Dwyer là một thầy thuốc nổi tiếng về thủ thuật đặt nội khí quản ở bệnh nhân bị bệnh bạch hầu, đã chế tạo một ống soi bằng kim loại để gắp các dị vật ở khí quản và phế quản.
Năm 1895, Kirstein đã khảo sát trực tiếp bên trong thanh quản bằng ống soi O'Dwyer có thêm bóng đèn điện tử lăng kính của Casper qua việc đè lưỡi và nắp thanh môn. Ông là người đã phát minh ra ống soi thanh quản đầu tiên.
Năm 1897, Gustav Killian đã dùng ống soi thanh quản Kirstein để soi phế quản cho một nam nông dân 63 tuổi và phát hiện dị vật là một mảnh xương nằm ở phế quản gốc bên phải. Ông đã dùng ống soi thực quản Mikulicz - Rosenheim để lấy dị vật ra sau khi đã gây tê bằng Cocaine. Cuối năm 1898, ông đã báo cáo ba trường hợp gắp thành công dị vật ở cây khí - phế quản. Từ các sự kiện trên đã mở ra một kỷ nguyên về khảo sát cây khí - phế quản bằng nội soi và ông là người thầy thuốc được xem như là cha đẻ của kỹ thuật nội soi phế quản.
Năm 1902, Max Einhorn đã sáng chế đèn soi ở đầu ống soi thực quản.
Năm 1904, Chevalier Jackson chế tạo ống soi phế quản cứng có bộ phận chiếu sáng ở đầu ống soi. Đây là thời kỳ có nhiều cải tiến về kỹ thuật chiếu sáng, thông khí, gây tê nhưng dụng cụ vẫn là ống soi cứng đơn giản.
Năm 1954, Hopkine và Hirschowitz đã phát minh ra sự dẫn truyền hình ảnh qua bó sợi thủy tinh quang học được bao bọc đặc biệt thành một ống mềm dễ dàng uốn cong và đặt tên là "Fiberscope".
Năm 1957, Avery Jones và Hirschowitz đã chế tạo ống soi mềm đầu tiên đơn giản để soi dạ dày. Sau đó ống soi mềm nhanh chóng phát triển ở Mỹ và đặc biệt là Nhật Bản.
Năm 1962, Shigeto Ikeda cùng với Shohei Horie và Kenichi Takino đã chế tạo thấu kính soi phế quản với các sợi thủy tinh quang học giúp cho soi phế quản có nhiều thuận lợi hơn : độ chiếu sáng tốt hơn, thị trường quan sát rộng hơn và giảm được đường kính của ống soi nên có thể quan sát tới tận các phế quản phân thùy của thùy giữa và thùy dưới.
Năm 1966, Shigeto Ikeda chế tạo ống soi phế quản mềm và ông là người đầu tiên thực hiện nội soi phế quản với ống soi mềm bằng sợi quang học để chẩn đoán bệnh lý phế quản. Sau đó, ông đã giới thiệu phương pháp nội soi phế quản ống mềm tại Hội nghị Bệnh lồng ngực tại Copenhagen. Từ đó, nội soi phế quản ống mềm được ứng dụng rộng rãi và phổ biến trên toàn thế giới, nó dần dần được sử dụng để thay thế cho ống soi cứng.
Năm 1971, Shigeto Ikeda và Ryosuke Ono sử dụng camera để ghi lại hình ảnh màu khi soi phế quản. Cũng trong năm này, Smiddy đề xuất đặt ống nội soi thông qua một ống nội khí quản mềm hay ống nội soi cứng và sau đó đặt ống nội soi qua đường mũi hay qua đường miệng. Gây tê tại chỗ được dùng thay cho gây mê khi nội soi, điều này đã làm thay đổi toàn diện về nội soi phế quản ống mềm, nội soi phế quản ống mềm có thể thực hiện ngay tại giường bệnh nhân mà không đòi hỏi phức tạp về phòng ốc cũng như trang thiết bị.
Năm 1984, Shigeto Ikeda và Ryosuke Ono đã sử dụng camera với kỹ thuật số ghi lại hình ảnh nội soi phế quản và được giải mã thông qua một hệ thống điện toán. Điều này giúp cho người thầy thuốc quan sát kỹ hơn các biến đổi của niêm mạc phế quản.
Đến nay đã có nhiều ứng dụng trong nội soi phế quản ống mềm với ống soi ngày càng nhỏ hơn, các bộ nguồn sáng tốt hơn, kỹ thuật nội soi phế quản ống mềm qua truyền hình (Videofiberbronchoscopy), cùng với sự cải tiến và sáng chế nhiều dụng cụ để thực hiện các kỹ thuật lấy bệnh phẩm (như rửa phế quản phế nang, chải phế quản, sinh thiết phế quản, sinh thiết phổi xuyên phế quản, chọc hút bằng kim xuyên phế quản) và trị liệu qua nội soi đã giúp ích rất nhiều cho công tác chẩn đoán và điều trị trong chuyên khoa phổi
2. Tình hình ứng dụng nội soi phế quản tại Việt Nam :
Năm 1954, nội soi phế quản ống cứng được thực hiện bởi Trần Hữu Tước và sau đó là Võ Tấn để gắp dị vật trong chuyên khoa Tai Mũi Họng. Từ đó, nội soi phế quản ống cứng được thực hiện để chẩn đoán các bệnh lý hô hấp (như ho ra máu, ung thư phế quản…) và gắp dị vật trong khí phế quản .
Năm 1974, Lê Quốc Hanh thực hiện nội soi phế quản ống mềm đầu tiên tại bệnh viện Hồng Bàng (nay là bệnh viện Phạm Ngọc Thạch). Năm 1976, Đặng Hiếu Trưng thực hiện tại khoa Tai Mũi Họng Quân Y Viện 108. Nhưng sau vài năm, ống soi mềm bị hư hỏng nên không tiếp tục sử dụng và chủ yếu là sử dụng ống soi cứng để chẩn đoán những bệnh lý hô hấp
Kể từ năm 1990, nội soi phế quản ống mềm mới phát triển trở lại tại các bệnh viện có chuyên khoa phổi và đã có nhiều công trình nghiên cứu khoa học liên quan đến nội soi phế quản ống mềm được thực hiện, với những kỹ thuật được ứng dụng như : chải phế quản, rửa phế quản phế nang, sinh thiết phế quản, sinh thiết phổi xuyên phế quản, chọc hút bằng kim xuyên phế quản... cho thấy nội soi phế quản ống mềm là một kỹ thuật chính yếu, có nhiều đặc tính ưu việt, hiệu quả, an toàn và không thể thiếu để chẩn đoán điều trị các bệnh lý phế quản phổi